Đất rừng phòng hộ là gì? Đất rừng phòng hộ có được cấp sổ đỏ không?
Rừng là tài nguyên quý giá cần được quan tâm bảo vệ và sử dụng hợp lý. Đất rừng chiếm khoảng 3/4 diện tích đất toàn lãnh thổ Việt Nam nên có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế – chính trị – văn hóa nước ta. Các vấn đề liên quan đến rừng luôn được nhà nước chú trọng, đặc biệt là công tác quản lý và quy hoạch đất rừng phòng hộ. Vậy đất rừng phòng hộ là gì? Quy định pháp luật về đất rừng phòng hộ hiện nay như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!
Đất rừng phòng hộ là gì?
Rừng đối với sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia có vai trò mật thiết và tầm ảnh hưởng cực kỳ to lớn. Đối với Việt Nam – một quốc gia đang trong quá trình phát triển và hội nhập với quốc tế thì rừng không chỉ mang tới nguồn tài nguyên quý giá mà còn gắn liền với đời sống của nhân dân và sự sống còn của dân tộc, đặc biệt là rừng phòng hộ.
Vậy đất rừng phòng hộ là gì? Theo Điều 5, Luật Lâm nghiệp 2017 có ghi rõ:
“3. Rừng phòng hộ được sử dụng chủ yếu để bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, sạt lở, lũ quét, lũ ống, chống sa mạc hóa, hạn chế thiên tai, điều hòa khí hậu, góp phần bảo vệ môi trường, quốc phòng, an ninh, kết hợp du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; cung ứng dịch vụ môi trường rừng; được phân theo mức độ xung yếu bao gồm:
a) Rừng phòng hộ đầu nguồn; rừng bảo vệ nguồn nước của cộng đồng dân cư; rừng phòng hộ biên giới;
b) Rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay; rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển.”
Như vậy, đất rừng phòng hộ là loại đất rừng được sử dụng nhằm mục đích bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống hiện tượng xói mòn, sạt lở, lũ quét, lũ ống, chống việc sa mạc hóa, hạn chế các thiên tai, góp phần điều hòa khí hậu, không khí, bảo vệ môi trường, quốc phòng an ninh kết hợp du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí đáp ứng các dịch vụ môi trường.
Rừng phòng hộ có vai trò rất quan trọng nên khi quản lý và sử dụng cần tìm hiểu mục đích của đất rừng phòng hộ là gì? Dựa theo mục đích sử dụng mà đất rừng phòng hộ được chia thành các loại như sau:
-
Đất rừng phòng hộ đầu nguồn: Đất rừng thường tập trung ở thượng nguồn các dòng sông nhằm mục đích điều tiết nguồn nước, hạn chế lũ lụt, cung cấp nước cho các dòng chảy và hồ trong mùa khô, hạn chế xói mòn, bảo vệ đất, hạn chế bồi lấp các lòng sông, hồ…
-
Đất rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay: Loại đất rừng này thường tập trung ở ven biển, có tác dụng chủ yếu là phòng hộ nông nghiệp, bảo vệ các khu dân cư, các khu đô thị, các vùng sản xuất và các công trình khác.
-
Đất rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển: Đây là loại rừng mọc tự nhiên hoặc được gây trồng ở cửa các dòng sông và được sử dụng chủ yếu để ngăn sóng, bảo vệ các công trình ven biển, cố định bùn cát lắng đọng để hình thành các vùng đất mới.
-
Đất rừng phòng hộ bảo vệ môi trường: Đây là các dải đất rừng đã và đang được trồng với chức năng chính là điều hoà khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái ở xung quanh các khu dân cư, các khu công nghiệp, các đô thị lớn, đồng thời kết hợp phục vụ nghỉ ngơi và du lịch.
Bên cạnh đó, đất rừng phòng hộ còn phục vụ cho du lịch, tham quan và khám phá thiên nhiên hoang dã. Rừng phòng hộ giúp bảo vệ con người, bảo vệ môi trường sinh thái và điều hòa khí hậu. Vì vậy, đất rừng phòng hộ cần được bảo tồn, duy trì để phục vụ nhu cầu và đảm bảo an toàn cuộc sống con người.
Quy định về đất rừng phòng hộ
Quản lý đất rừng phòng hộ
Quy định về quản lý đất rừng phòng hộ được ghi rõ tại Điều 8 Quyết định số 17/2015/QĐ-TTg về quy chế quản lý rừng phòng hộ, cụ thể như sau:
UBND cấp tỉnh quyết định thành lập Ban quản lý rừng phòng hộ theo quy định hiện hành của Nhà nước trong những trường hợp:
-
Những khu rừng phòng hộ tập trung có diện tích từ 5.000 hecta trở lên đối với rừng phòng hộ đầu nguồn; từ 3.000 hecta trở lên đối với rừng phòng hộ chắn sóng lấn biển, rừng phòng hộ chắn gió chắn cát bay;
-
Những khu rừng phòng hộ không tập trung nhưng có tầm quan trọng về chức năng phòng hộ đầu nguồn, phòng hộ chắn sóng lấn biển, rừng phòng hộ chắn gió chắn cát bay, tổng diện tích các khu rừng này thuộc phạm vi địa giới hành chính của một tỉnh 5.000 hecta trở lên đối với rừng phòng hộ đầu nguồn và 3.000 hecta trở lên đối với rừng phòng hộ chắn sóng lấn biển, rừng phòng hộ chắn gió chắn cát bay;
-
Trường hợp đặc biệt, những khu rừng phòng hộ không đảm bảo diện tích quy định tại Điểm a và Điểm b Điều này, nhưng yêu cầu cấp thiết phải thành lập Ban quản lý rừng phòng hộ phải được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng thuận bằng văn bản.
Những khu rừng phòng hộ không đủ điều kiện thành lập Ban quản lý theo quy định tại Khoản 1, Điều này, thì Nhà nước giao, cho thuê cho đơn vị vũ trang đóng quân tại khu vực có rừng phòng hộ, các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn cư trú hợp pháp trên địa bàn theo quy định của pháp luật.
Sử dụng đất rừng phòng hộ
Căn cứ theo quy định tại Điều 13, Điều 14, Điều 15, Điều 16, Điều 17 và Điều 18 Quyết định số 17/2015/QĐ-TTg về quy chế quản lý rừng phòng hộ, nội dung việc sử dụng đất rừng phòng hộ cụ thể như sau:
“Điều 13. Nguyên tắc khai thác lâm sản trong rừng phòng hộ
1. Khai thác lâm sản trong rừng phòng hộ không làm giảm chức năng phòng hộ của rừng và phải tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học.
2. Sản lượng khai thác quy định tại các Điều 14, 15 và 16 của Quy chế này.
3. Trong rừng phòng hộ là rừng tự nhiên không được khai thác những loài động, thực vật rừng nguy cấp quý, hiếm và những loài được ưu tiên bảo vệ theo quy định của pháp luật.
Điều 14. Tận thu, tận dụng gỗ trong rừng phòng hộ là rừng tự nhiên
1. Đối với rừng phòng hộ đầu nguồn rất xung yếu, rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay, rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển; rừng phòng hộ bảo vệ môi trường là rừng tự nhiên không được phép khai thác gỗ.
2. Đối với rừng phòng hộ đầu nguồn xung yếu là rừng tự nhiên chỉ được phép tận thu gỗ là những cây, lóng, khúc, bìa bắp gỗ đã khô mục, lóc lõi, gỗ cháy; cành, ngọn, gốc, rễ gỗ và khai thác bền vững các loại lâm sản ngoài gỗ; khai thác tận dụng gỗ và lâm sản ngoài gỗ trên diện tích giải phóng mặt bằng để xây dựng các công trình hoặc sử dụng vào mục đích khác ở những đối tượng rừng tự nhiên là rừng giàu và rừng trung bình. Sau khi khai thác, rừng vẫn đạt tiêu chuẩn định hình rừng phòng hộ quy định tại Điều 6 của Quy chế này và các quy định hiện hành về khai thác lâm sản.
Điều 15. Khai thác gỗ trong rừng phòng hộ là rừng trồng
1. Rừng phòng hộ là rừng trồng do ngân sách nhà nước đầu tư chỉ được khai thác cây trồng xen, cây phù trợ, tỉa thưa; thu gom cây gỗ nằm, gỗ khô mục, lóc lõi, gỗ cháy, cành, ngọn, gốc, rễ cây, nhưng phải bảo đảm mật độ cây trồng chính còn lại ít nhất là 600 cây/hecta.
2. Rừng phòng hộ là rừng trồng có hỗ trợ của ngân sách nhà nước, hỗ trợ của chương trình, dự án có nguồn gốc ngân sách nhà nước.
a) Khai thác cây trồng xen, cây phù trợ; tỉa thưa, tận thu, tận dụng gỗ;
b) Được chặt chọn cây trồng chính khi đạt tiêu chuẩn khai thác với cường độ khai thác không quá 20 phần trăm trữ lượng, sau khi khai thác rừng vẫn đạt tiêu chuẩn định hình quy định tại Điều 6 của Quy chế này hoặc khai thác trắng theo băng, đám xen kẽ nhau, với tổng diện tích khai thác hàng năm không vượt quá 20 phần trăm diện tích rừng trồng đã đạt tiêu chuẩn định hình và diện tích mỗi khu chặt trắng tối đa không quá 03 (ba) hecta; sau khai thác phải trồng lại vào vụ trồng rừng kế tiếp.
Băng khai thác phải thiết kế theo đường đồng mức, có chiều rộng tối đa là 20 mét đối với rừng phòng hộ đầu nguồn rất xung yếu và 30 mét đối với rừng phòng hộ đầu nguồn xung yếu; đám khai thác có diện tích tối đa là 01 (một) hecta đối với rừng phòng hộ đầu nguồn rất xung yếu và 02 (hai) hecta đối với rừng phòng hộ đầu nguồn xung yếu.
3. Đối với rừng phòng hộ là rừng trồng do người được giao, thuê hoặc khoán rừng phòng hộ tự đầu tư
a) Được khai thác cây trồng xen, cây phù trợ; tỉa thưa, tận thu, tận dụng gỗ;
b) Được chặt chọn cây trồng chính khi đạt tiêu chuẩn khai thác với cường độ khai thác không quá 30 phần trăm trữ lượng, sau khi khai thác rừng vẫn đạt tiêu chuẩn định hình quy định tại Điều 6 của Quy chế này. Phương thức khai thác thực hiện theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này.
4. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định, hướng dẫn trình tự, thủ tục, quy trình kỹ thuật khai thác gỗ rừng tự nhiên.
Điều 16. Khai thác tre, lâm sản ngoài gỗ từ rừng phòng hộ
Ban quản lý rừng phòng hộ; người được giao, thuê hoặc khoán rừng phòng hộ được khai thác tre, nứa với cường độ không quá 30 phần trăm trữ lượng; sau khi khai thác, rừng vẫn đạt tiêu chuẩn định hình rừng phòng hộ quy định tại Điều 6 của Quy chế này. Khai thác các lâm sản ngoài gỗ khác phải đảm bảo các nguyên tắc về khai thác lâm sản quy định tại Điều 13 của Quy chế này.
Điều 17. Hoạt động du lịch sinh thái, nghiên cứu khoa học, giáo dục, đào tạo trong rừng phòng hộ
1. Ban quản lý rừng phòng hộ được tự tổ chức, liên kết hoặc cho các tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghiên cứu khoa học, giáo dục, đào tạo trong rừng phòng hộ.
2. Phát triển du lịch sinh thái trong rừng phòng hộ thực hiện theo đúng quy hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và quy định của pháp luật về Doanh nghiệp, Bảo vệ và Phát triển rừng và các quy định hiện hành của Nhà nước.
3. Hoạt động nghiên cứu khoa học, giáo dục, đào tạo trong rừng phòng hộ phải đảm bảo các yêu cầu sau:
a) Thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, pháp luật về nghiên cứu khoa học, giáo dục, đào tạo, các quy định có liên quan và quy định tại Quy chế này;
b) Có kế hoạch nghiên cứu khoa học, giáo dục, đào tạo tại khu rừng phòng hộ được chủ rừng phòng hộ chấp thuận;
c) Chỉ thu thập mẫu vật, nguồn gien loài sinh vật với số lượng đã được xác định trong kế hoạch nghiên cứu, giáo dục, đào tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và được chủ rừng phòng hộ chấp thuận;
d) Thanh toán chi phí dịch vụ cho chủ rừng phòng hộ.
Điều 18. Sản xuất nông, ngư nghiệp kết hợp trong rừng phòng hộ
Ban quản lý rừng phòng hộ; người được giao, thuê hoặc khoán rừng phòng hộ lâu dài được tổ chức sản xuất nông, ngư nghiệp kết hợp trên diện tích đất chưa có rừng, diện tích rừng trồng chưa khép tán; mặt nước theo đúng quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển của khu rừng phòng hộ.”
Như vậy, hộ gia đình, các nhân khi được nhà nước giao, cho thuê đất rừng phòng hộ sẽ được khai thác công dụng và hưởng hoa lợi, lợi tức từ rừng phòng hộ, bao gồm:
-
Là rừng tự nhiên thì sẽ được khai thác các cây gỗ đã chết, gãy đổ, bị sâu bệnh, cây đứng ở nơi có mật độ lớn theo quy định. Nếu rừng phòng hộ đạt yêu cầu sẽ được khai thác măng, tre, nứa, nấm, khai thác các lâm sản ngoài gỗ khác nhưng không được ảnh hưởng tới khả năng phòng hộ.
-
Là rừng trồng sẽ được khai thác cây phụ trợ, chặt tỉa thưa nếu mật độ lớn, khai thác cây trồng chính. Tuy nhiên, sau khi khai thác phải tái sinh hoặc trông lại rừng trong vụ trồng kế tiếp và vẫn tiếp tục quản lý, bảo vệ rừng.
Giao/giao khoán đất rừng phòng hộ
Đất rừng phòng hộ là loại đất được sử dụng để trồng các loại cây rừng nhằm mục đích bảo vệ khu dân cư, nơi có người dân sinh sống những chịu ảnh hưởng của thiên tai. Nhà nước sẽ giao đất rừng phòng hộ cho người dân bằng hình thức giao đất không thu tiền. Quy định về giao/giao khoán đất rừng phòng hộ được ghi rõ tại Điều 136 Luật Đất đai năm 2013, cụ thể như sau:
-
Nhà nước giao đất rừng phòng hộ cho tổ chức quản lý rừng phòng hộ để quản lý, bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng và trồng rừng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, được kết hợp sử dụng đất vào mục đích khác theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.
-
Tổ chức quản lý rừng phòng hộ giao khoán đất rừng phòng hộ cho hộ gia đình, cá nhân đang sinh sống tại đó để bảo vệ, phát triển rừng. Ủy ban nhân dân cấp huyện giao đất ở, đất sản xuất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân đó sử dụng.
-
Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu, khả năng bảo vệ, phát triển rừng và đang sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ mà chưa có tổ chức quản lý và khu vực quy hoạch trồng rừng phòng hộ thì được Nhà nước giao đất rừng phòng hộ để bảo vệ, phát triển rừng và được kết hợp sử dụng đất vào mục đích khác theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.
-
Cộng đồng dân cư được Nhà nước giao rừng phòng hộ theo quy định của Luật bảo vệ và phát triển rừng thì được giao đất rừng phòng hộ để bảo vệ, phát triển rừng; có quyền và nghĩa vụ theo quy định của Luật bảo vệ và phát triển rừng.
Như vậy, đất rừng phòng hộ sẽ được giao khoán cho hộ gia đình, cá nhân đang sinh sống tại nơi có rừng phòng hộ để quản lý sử dụng. Tuy nhiên, việc giao/giao khoán đất rừng phòng hộ sẽ do UBND tỉnh, thành phố quyết định cho kết hợp vừa bảo vệ và phát triển mô hình kinh doanh hiệu quả như xây dựng khu sinh thái du lịch phong phú, tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí và giáo dục.
Việc giao/giao khoán đất rừng phòng hộ sẽ phụ thuộc vào từng mục đích, kế hoạch sử dụng đất để cải tạo, phát triển bảo vệ rừng cho từng hộ gia đình hoặc cá nhân, tổ chức quản lý và sử dụng.
Thuê đất rừng phòng hộ
Nhà nước cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài thuê đất rừng phòng hộ để sử dụng vào mục đích lâm nghiệp như sau:
-
Đất rừng phòng hộ đầu nguồn vùng ít xung yếu
-
Đất rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay
-
Đất rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển
-
Đất rừng phòng hộ bảo vệ môi trường sinh thái.
UBND cấp tỉnh quyết định cho tổ chức kinh tế thuê đất rừng phòng hộ thuộc khu vực được kết hợp với kinh doanh cảnh quan, du lịch sinh thái – môi trường dưới tán rừng.
>> Xem thêm:
Đất rừng sản xuất là gì? Những quy định A-Z về đất rừng sản xuất
Đất đồi là gì? Kinh nghiệm mua bán đất đồi không thể bỏ qua
Thủ tục thuê đất rừng phòng hộ
Căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 1 Nghị định 38/2011/NĐ-CP, thủ tục thuê đất rừng phòng hộ đối với hộ gia đình, cá nhân được thực hiện như sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ thuê đất rừng phòng hộ tại UBND xã nơi có đất
Hộ gia đình, cá nhân nộp đơn đề nghị giao đất, thuê đất tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất; trong đơn phải ghi rõ yêu cầu về diện tích đất sử dụng.
Bước 2: Trong thời hạn không quá 7 ngày làm việc, UBND cấp xã có trách nhiệm thẩm tra, ghi ý kiến xác nhận vào đơn đề nghị thuê đất về nhu cầu sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân đối với trường hợp đủ điều kiện và chuyển về Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện.
Bước 3: Trong thời hạn không quá 20 ngày làm việc, Phòng Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thực hiện các công việc sau:
-
Thẩm tra trường hợp đề nghị thuê đất rừng phòng hộ và tiến hành xác minh thực địa khi cần thiết. Sau đó trình UBND cấp huyện quyết định cho thuê đất.
-
Chỉ đạo Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện các công việc: trích lục hoặc trích đo địa chính thửa đất.
-
Chuẩn bị hồ sơ trình lên UBND cùng cấp quyết định cho thuê đất, thực hiện việc bàn giao đất ngoài thực địa.
-
Thực hiện luân chuyển hồ sơ địa chính cho cơ quan Tài chính, cơ quan Thuế để xác định đơn giá đất thuê, mức thu và thông báo cho người sử dụng đất thực hiện nghĩa vụ tài chính.
Bước 4: Ký hợp đồng thuê đất đối với trường hợp được thuê đất.
Như vậy, hộ gia đình, cá nhân muốn thuê đất rừng phòng hộ cần thực hiện những thủ tục nêu trên theo đúng quy định của pháp luật.
Đất rừng phòng hộ có được cấp sổ đỏ không?
Việc đất rừng phòng hộ có được cấp sổ đỏ hay không phụ thuộc chủ yếu vào người sử dụng đất có đáp ứng được đầy đủ các điều kiện chung về việc cấp giấy chứng nhận, đồng thời không mắc các trường hợp cấm theo pháp luật hay không.
Điều 19 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai có nêu rõ các trường hợp không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, cụ thể như sau:
“1. Tổ chức, cộng đồng dân cư được Nhà nước giao đất để quản lý thuộc các trường hợp quy định tại Điều 8 của Luật Đất đai.
2. Người đang quản lý, sử dụng đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn.
3. Người thuê, thuê lại đất của người sử dụng đất, trừ trường hợp thuê, thuê lại đất của nhà đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.
4. Người nhận khoán đất trong các nông trường, lâm trường, doanh nghiệp nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng phòng hộ, ban quản lý rừng đặc dụng.
5. Người đang sử dụng đất không đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
6. Người sử dụng đất có đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nhưng đã có thông báo hoặc quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
7. Tổ chức, Ủy ban nhân dân cấp xã được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất để sử dụng vào mục đích xây dựng công trình công cộng gồm đường giao thông, công trình dẫn nước, dẫn xăng, dầu, khí; đường dây truyền tải điện, truyền dẫn thông tin; khu vui chơi giải trí ngoài trời; nghĩa trang, nghĩa địa không nhằm mục đích kinh doanh.”
Như vậy, sẽ không tiến hành cấp giấy chứng nhận đất rừng phòng hộ trong các trường hợp sử dụng dưới mục đích đất nhận khoán, thuộc quỹ đất công ích, đã có quyết định thu hồi nhằm phục vụ cho các công trình xây dựng công cộng hoặc các trường hợp bị giới hạn khác có đề cập tại Điều 99, Luật Đất đai 2013.
Đất rừng phòng hộ có được chuyển nhượng không?
Nhiều người thắc mắc liệu đất rừng phòng hộ có được mua bán, chuyển nhượng hay không? Câu trả lời là “Có”. Đất rừng phòng hộ có thể chuyển nhượng được, tuy nhiên phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật.
Thứ nhất, căn cứ theo Khoản 1, Điều 188 Luật Đất đai 2013 quy định điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất như sau:
“1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:
a) Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này;
b) Đất không có tranh chấp;
c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
d) Trong thời hạn sử dụng đất.”
Thứ hai, Điều 191 và Điều 192 Luật Đất đai 2013 có nêu rõ:
“Điều 191. Trường hợp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất
(…)
2. Tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng của hộ gia đình, cá nhân, trừ trường hợp được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
(…)
4. Hộ gia đình, cá nhân không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất ở, đất nông nghiệp trong khu vực rừng phòng hộ, trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng, nếu không sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đó.
Điều 192. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất có điều kiện
(…)
2. Hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất ở, đất sản xuất nông nghiệp trong khu vực rừng phòng hộ thì chỉ được chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất ở, đất sản xuất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân đang sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ đó.”
Như vậy, pháp luật không cấm hộ gia đình, cá nhân sở hữu quyền sử dụng đất rừng phòng hộ chuyển nhượng tặng cho chuyển nhượng cho hộ gia đình, cá nhân khác.
Nếu mảnh đất rừng phòng hộ bạn muốn chuyển nhượng đáp ứng đủ các điều kiện tại Khoản 1, Điều 188 Luật Đất đai 2013, đồng thời cả bạn và bên nhận chuyển nhượng đều sinh sống trong khu vực đất rừng phòng hộ đó thì bạn hoàn toàn có quyền chuyển nhượng phần diện tích đất rừng phòng hộ này. Ngoài ra, nếu mảnh đất rừng phòng hộ thuộc trường hợp cấm không được cấp sổ đỏ thì việc chuyển nhượng đất rừng phòng hộ cũng không được phép thực hiện.
Có nên mua đất rừng phòng hộ?
Sau khi đã hiểu rõ đất rừng phòng hộ là gì, nhiều nhà đầu tư phân vân liệu có nên mua đất rừng phòng hộ hay không? Câu trả lời là nên mua đất rừng phòng hộ.
Tuy nhiên, đất rừng phòng hộ là loại đất đặc biệt, giữ vai trò và có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển bền vững của một quốc gia. Do đó, pháp luật hiện hành đưa ra một số hạn chế nhất định trong hoạt động chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng loại đất này. Nếu mua đất rừng phòng hộ, bạn nên lưu ý một số điều như sau:
-
Thứ nhất, chỉ được phép mua bán, chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất rừng phòng hộ cho hộ gia đình, cá nhân đang sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ đó mà không được chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sinh sống ngoài khu vực (căn cứ theo khoản 2, Điều 192, Luật Đất đai 2013 và Nghị định số 43/2014/NĐ-CP).
-
Thứ hai, mảnh đất rừng phòng hộ phải đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định tại Khoản 1, Điều 188 Luật đất đai năm 2013: Có sổ đỏ và vẫn trong thời hạn sử dụng, đất không xảy ra tranh chấp, không bị kê biên thi hành án.
Chuyển đổi đất rừng phòng hộ sang đất ở
Căn cứ theo quy định chuyển mục đích sử dụng đất tại Điều 57 Luật Đất đai 2013, trường hợp chuyển đổi đất rừng phòng hộ phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền và chỉ được cho phép khi: “Chuyển đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang sử dụng vào mục đích khác trong nhóm đất nông nghiệp”
Vậy có thể chuyển đổi đất rừng phòng hộ lên thổ cư được không? Câu trả lời là “Không”. Đất rừng phòng hộ không được chuyển đổi sang đất ở mà chỉ được chuyển đổi sang sử dụng cho mục đích khác thuộc nhóm đất nông nghiệp.
Thu hồi đất rừng phòng hộ
Việc thu hồi đất rừng phòng hộ ngoài dựa theo các quy định chung tại Luật Đất đai năm 2013 còn chịu sự điều chỉnh của Luật Lâm nghiệp năm 2017. Vì thế, cần xem xét cả hai văn bản này để áp dụng thu hồi đất rừng phòng hộ theo đúng quy định.
Thẩm quyền thu hồi đất rừng phòng hộ
Căn cứ Điều 23 Luật Lâm nghiệp 2017 quy định thẩm quyền thu hồi đất rừng phòng hộ như sau:
-
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thu hồi rừng phòng hộ đối với tổ chức
-
Ủy ban nhân dân cấp huyện thu hồi rừng phòng hộ đối với hộ gia đình, cá nhân; thu hồi rừng đối với cộng đồng dân cư
-
Trường hợp trong khu vực thu hồi rừng phòng hộ có cả đối tượng nêu trên thì UBND cấp tỉnh quyết định thu hồi rừng hoặc ủy quyền cho UBND cấp huyện quyết định thu hồi rừng.
Đất rừng phòng hộ có được bồi thường không?
Khi bị thu hồi đất rừng phòng hộ, bạn có được bồi thường hay không phụ thuộc vào hình thức sử dụng đất của bạn và lý do thu hồi đất.
Theo quy định tại Điều 82 Luật Đất đai 2013, Nhà nước thu hồi đất không bồi thường về đất trong các trường hợp sau đây:
-
Đất được Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất, trừ trường hợp đất nông nghiệp được Nhà nước giao cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối được giao đất nông nghiệp trong hạn mức quy định
-
Đất được Nhà nước giao cho tổ chức thuộc trường hợp có thu tiền sử dụng đất nhưng được miễn tiền sử dụng đất
-
Đất được Nhà nước cho thuê trả tiền thuê đất hàng năm; đất thuê trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê nhưng được miễn tiền thuê đất, trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất thuê do thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng
-
Đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn
-
Đất nhận khoán để sản xuất nông, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối
-
Đất được Nhà nước giao để quản lý
-
Đất thu hồi trong các trường hợp do vi phạm pháp luật về đất đai
Nếu đất rừng phòng hộ bạn đang sử dụng thuộc một trong các trường hợp kể trên thì sẽ không được Nhà nước bồi thường về đất theo quy định hiện hành. Tuy nhiên, người sử dụng đất có thể được nhận các khoản đền bù đất sau đây:
Chi phí đầu tư vào đất còn lại
Người sử dụng đất rừng phòng hộ không được nhận bồi thường về đất nhưng được Nhà nước bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại nếu thỏa mãn được các điều kiện tại Điều 76 Luật Đất đai 2013.
Chi phí đầu tư vào đất còn lại được tính dựa trên căn cứ là giấy tờ, tài liệu chứng minh về việc đã đầu tư vào đất. Ví dụ đầu tư làm tăng độ phì nhiêu, màu mỡ cho đất, cải tạo đất, thực hiện thau chua, rửa mặn,…
Nếu không còn các tài liệu, giấy tờ chứng minh về các chi phí đầu tư vào đất còn lại thì người sử dụng đất được đền bù đất rừng phòng hộ dựa theo quy định của từng tỉnh nơi có đất.
Bồi thường về tài sản, vật nuôi và cây trồng trên đất
Người sử dụng đất rừng phòng hộ được nhận các khoản đền bù khi có thiệt hại về tài sản, vật nuôi, cây trồng trên đất.
Tóm lại, khi thu hồi đất rừng phòng hộ, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất không được bồi thường về đất mà sẽ được Nhà nước bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại, đền bù về tài sản, cây trồng, vật nuôi trên đất.
Cách tính giá đất rừng phòng hộ
Theo quy định pháp luật hiện hành, cách tính giá đền bù đất rừng phòng hộ sau khi thu hồi chủ yếu sử dụng phương pháp hệ số điều chỉnh theo công thức:
Tổng số tiền đền bù đối với đất rừng phòng hộ = Tổng diện tích đất Nhà nước thu hồi (m2) x Giá đền bù đất (VNĐ/m2).
Trong đó:
-
Giá đền bù đất (VNĐ/m2) = Giá đất theo khung giá đất x Hệ số điều chỉnh giá đất.
-
Khung giá đất do UBND cấp tỉnh/thành phố ban hành và được áp dụng theo giai đoạn 5 năm. Xác định chính xác vị trí mảnh đất và tra trong bảng giá đã được ban hành (có thể xin tại văn phòng địa chính địa phương) sẽ biết được mảnh đất đang được áp dụng khung giá nào.
-
Hệ số điều chỉnh giá đất được UBND cấp tỉnh quyết định tại thời điểm có quyết định thu hồi đất chính thức từ cơ quan có thẩm quyền. Hệ số này không được sử dụng cố định theo năm hay giai đoạn.
Hiện nay, giá đền bù đất rừng phòng hộ tại Hà Nội khi bị thu hồi dưới 1ha là 25.000 đồng/m2, thu hồi trên 1ha là 7.500 đồng/m2 và mức đền bù tối đa không vượt quá 500 triệu đồng/chủ sử dụng đất.
Lấn chiếm đất rừng phòng hộ bị xử lý như thế nào?
Hành vi lấn chiếm đất rừng phòng hộ bị xử phạt hành chính hoặc xử phạt hình sự theo quy định của pháp luật.
Căn cứ Khoản 3 Điều 14 Nghị định 91/2019/NĐ-CP quy định lấn chiếm đất rừng phòng hộ sẽ bị xử phạt như sau:
“3. Trường hợp lấn, chiếm đất nông nghiệp là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất tại khu vực nông thôn, thì hình thức và mức xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm dưới 0,02 héc ta;
b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,02 héc ta đến dưới 0,05 héc ta;
c) Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta;
d) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta;
đ) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;
e) Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 01 héc ta trở lên.”
Như vậy, tùy thuộc vào diện tích đất rừng phòng hộ bị lấn chiếm mà cá nhân có hành vi lấn chiếm đất rừng phòng hộ có thể bị phạt tiền từ 3 triệu – 150 triệu đồng. Bên cạnh đó cần áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại Khoản 7, Điều 14 Nghị định 91/2019/NĐ-CP, cụ thể:
-
Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm lấn, chiếm. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sẽ căn cứ vào tình hình thực tế ở địa phương để quy định mức độ khôi phục đối với từng loại vi phạm lấn, chiếm đất đai.
-
Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
-
Buộc thực hiện thủ tục hành chính về đất đai; buộc trả lại đất sử dụng không đúng quy định mà có được do hành vi lấn/chiếm.
-
Buộc hoàn trả tiền chuyển nhượng/cho thuê đất không đúng quy định pháp luật; chấm dứt hợp đồng mua/bán/cho thuê tài sản gắn liền với đất không đủ điều kiện quy định.
Ngoài ra, lấn chiếm đất rừng có thể bị xử lý hình sự theo Điều 228 Bộ luật hình sự 2015 quy định về hình phạt của tội vi phạm các quy định về xử lý đất đai như sau:
“Điều 228. Tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai
1. Người nào lấn chiếm đất, chuyển quyền sử dụng đất hoặc sử dụng đất trái với các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.”
Tóm lại, cá nhân nào có hành vi lấn chiếm đất rừng phòng hộ đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc đã bị kết án về tội này, khi chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền mức tối đa có thể đến 2 tỷ đồng và phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Mức phạt cụ thể sẽ phụ thuộc vào mức độ thực hiện hành vi và quyết định của Tòa án.
Có được phép xây dựng trên đất rừng phòng hộ không?
Pháp luật hiện hành quy định chỉ có đất thổ cư mới được phép xây dựng nhà ở và các công trình phục vụ cho đời sống của người dân. Với những loại đất nằm ngoài nhóm đất thổ cư, nếu muốn xây dựng trên đất thì chủ sở hữu cần phải làm hồ sơ xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Sau đó thực hiện các thủ tục xin cấp phép xây dựng theo đúng quy định của pháp luật.
Vậy có được phép xây dựng trên đất rừng phòng hộ không? Căn cứ Điều 57 Luật đất đai năm 2013 quy định như sau:
“Điều 57. Chuyển mục đích sử dụng đất
1. Các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền bao gồm:
a) Chuyển đất trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm, đất trồng rừng, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối;
b) Chuyển đất trồng cây hàng năm khác sang đất nuôi trồng thủy sản nước mặn, đất làm muối, đất nuôi trồng thủy sản dưới hình thức ao, hồ, đầm;
c) Chuyển đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang sử dụng vào mục đích khác trong nhóm đất nông nghiệp;”
Như vậy, đất rừng phòng hộ chỉ có thể chuyển đổi sang sử dụng vào mục đích khác trong nhóm đất nông nghiệp mà không chuyển mục đích sử dụng sang nhóm đất phi nông nghiệp được. Mà muốn xây dựng nhà cửa thì phải xây dựng trên đất ở, do đó, không được phép xây dựng trên đất rừng phòng hộ.
>>>Nguồn: homedy.com, wikipedia, bách khoa toàn thư.